LÀM BIỂN QUẢNG CÁO
Thỉnh thoảng, người đi đường có thể bắt gặp những người thợ gắn biển quảng cáo dọc các tuyến đường giống như diễn viên xiếc. Không dây đeo, không bảo hộ lao động, họ làm việc như đang đánh đu giữa trời, hết xoay bên này lại rướn người sang kia, cho tới khi tấm biển to lớn được cố định trên khung thép. Công việc khi nhìn qua tưởng chừng đơn giản, nhưng để “tồn tại” với nghề lại chẳng dễ chút nào.
Cuối tuần là dịp nghỉ ngơi của nhiều người, nhưng anh Lê Văn Việt (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) và các đồng nghiệp lại bận rộn với công việc lắp biển quảng cáo ngoài đường. “Biển lớn ngoài trời thường được đặt tại những địa điểm có nhiều người qua lại để dễ nhìn thấy, như: các nhà cao tầng, khu đất đẹp… Còn bảng hiệu, hộp đèn dành cho các nhà hàng, doanh nghiệp nhỏ thì bố trí gần các con đường mua bán đông đúc” – anh Việt cho hay.
Thợ lắp biển quảng cáo cheo leo giữa trời…
Từ chỗ chuyên đi treo, lắp các tấm quảng cáo nhỏ đến đứng ra dựng biển lớn, nên những khó khăn, vất vả của nghề, anh Việt đều đã trải qua. Theo anh, khó nhất và quyết định tay nghề của người thợ là phải biết dựng pa nô. Ngoài ra, về mặt kết cấu, biển quảng cáo tấm lớn (pa nô) được lắp dựng bởi hệ thống cột cứng, chân cột được chôn sâu, đổ bê tông. Khung bảng bằng sắt vuông (hoặc tròn) được hàn rất cứng nên có thể nặng đến vài tạ, người thợ phải biết cách lắp đặt để vừa an toàn, vừa không ảnh hưởng đến không gian xung quanh.
Đứng trên tấm biển quảng cáo của một công ty gỗ, anh Việt nói vọng xuống: “Các công ty làm biển quảng cáo lớn thường tuyển thợ biết tính kết cấu sắt, vật liệu, tự đảm nhiệm công trình. Người ta chỉ cần đưa ra diện tích, vị trí đặt biển là thợ biết tính toán sao cho thuận lợi cả đôi bên. Vì các lý do an toàn và thẩm mỹ, biển quảng cáo tấm lớn luôn được quản lý chặt chẽ và có sự đồng ý của cơ quan chức năng mới được lắp đặt”.
Ôm bộ đồ nghề trên tay, thợ gắn biển quảng cáo đến bất cứ nơi đâu mỗi khi có đơn hàng. Thông thường, những tấm biển quảng cáo ngoài trời cần đến một “ê kíp” để hoàn thiện, còn làm tại các cửa hàng chỉ cần vài người, gồm: thợ cơ khí, lắp rắp, kỹ thuật. Từ một thợ lắp biển quảng cáo nhỏ, đến nay anh Nguyễn Tuấn Kiệt đã trở thành chủ một công ty quảng cáo ở Biên Hòa.
“Mới đầu phải biết hàn xì, làm những thứ đơn giản, như: hộp đèn, băng rôn…, sau đó mới có thể thiết kế, lắp những tấm panô cỡ lớn. Phải có con mắt mỹ thuật để làm ra những tấm pa nô vẽ tuyệt đẹp. Người thợ lắp biển rất cần những kỹ năng đó” – anh Kiệt cho hay.
Theo anh Kiệt, khoảng 3 năm nay, những hợp đồng làm panô ngoài trời ít hẳn, thay vào đó là biển quảng cáo tại gia, biển hiệu nhà hàng, quán xá. Kinh tế khó khăn nên nghề làm biển hiệu quảng cáo cũng bị ảnh hưởng, đơn hàng ít hơn, giá cả phải hạ xuống để hợp với túi tiền khách hàng.
“Khi dựng những tấm panô lớn ngoài trời, đứng dưới nhìn lên thì thấy không có vấn đề gì, nhưng khi lên cao, nghe gió thổi ngang tai ù ù và ngó xuống đất mới thấy sợ. Phải là người bạo gan mới dám ngồi, đứng để hàn, lắp ghép những tấm biển quảng cáo lớn trên cao như vậy. Khó khăn nhất có lẽ là gió, khiến người ta cứ tưởng đang bay trong không trung” – anh Huỳnh Văn Đạt (29 tuổi, nhân viên Công ty quảng cáo A) tâm sự.
Nguy hiểm thế nhưng theo anh Đạt, phần lớn thợ lắp biển không sử dụng đồ bảo hộ, mà chỉ đội trên mình chiếc mũ bảo hiểm đề phòng khi bị ngã xuống đất. Nhóm của anh có 3 người, mỗi người đeo bên hông một cái túi đựng máy khoan, máy hàn, dây điện… Sau khi trèo lên chiếc thang gỗ, người thợ bắt đầu bám theo các nấc sắt được hàn bên khung thép. Đeo đôi găng tay xong, họ tiếp tục kéo cuộn dây điện ra thả xuống dưới đất để tiếp điện. Cuối cùng là căng tấm biển quảng cáo và bắn vít, hàn chốt.
… và làm việc trong điều kiện thiếu an toàn lao động.
Nhiều năm gắn bó với công việc này, anh Ngô Văn Minh (32 tuổi, ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Một lần, tôi đi lắp và sửa lại biển quảng cáo cho một công ty ở phường Tân Biên. Biển lớn nên mấy anh em làm việc rất cực, lại làm việc trong điều kiện thời tiết không ủng hộ. Người đứng dưới, người leo trên cao, mưa sắp tới, gió thổi ào ào, lại thêm vị trí đặt bảng quảng cáo gần đường dây điện nên sợ kinh khủng. Chúng tôi vừa làm, vừa khấn trời sao cho công việc được trôi qua êm đềm”.
Những người lắp biển quảng cáo dễ khiến người ta liên tưởng đến những diễn viên xiếc hay diễn viên đóng thế trong phim ảnh. Vắt vẻo trên cao, thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm, nhưng rất ít người được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động phù hợp. Nhiều tai nạn thương tâm do hỏng giàn giáo, chập điện đã xảy ra. Nhưng vì mưu sinh, bản thân họ đành phải liều mạng sống của chính mình.
Anh Minh cho biết thêm: “Hiểm nguy luôn chực chờ nhưng rất ít công ty, cửa hàng chú trọng việc bảo hộ cho thợ lắp biển quảng cáo. Bên cạnh đó, công việc của chúng tôi mang tính thời vụ, thường thỏa thuận bằng miệng mà không có bất cứ hợp đồng ràng buộc nào. Xảy ra tai nạn chỉ thiệt thân thôi, nhưng bù lại nghề này cho lương cao, từ 200-300 ngàn đồng/ngày bao ăn ở”.
Ngày 18-1, tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, có 4 công nhân sửa biển quảng cáo. Khi anh Nguyễn Kỳ Nam (24 tuổi, quê Quảng Nam) leo lên giàn giáo để hàn thì bị chập điện, rơi xuống đất từ độ cao hàng chục mét, tử vong tại chỗ.
Gần đây, chiều 6-8, trong lúc 2 anh Trần Văn Thanh (29 tuổi) và Phạm Ngọc Phú (29 tuổi), cùng ngụ TP.Biên Hòa, đang lắp đặt biển quảng cáo trên nóc nhà Cửa hàng Viễn Thông A (nằm trên đại lộ Bình Dương, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương), thì xảy ra vụ va chạm vào lưới điện trung thế, tạo ra tiếng nổ lớn. Luồng điện đã phóng thẳng vào người đã làm 2 anh Thanh và Phú bị bỏng nặng toàn thân.
Khi kinh tế phát triển, biển quảng cáo như kênh tiếp thị thông tin sản phẩm của nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Vì thế mà nghề gắn biển quảng cáo đang trở thành một cơ hội tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó, an toàn lao động luôn là nỗi lo của nhiều người thợ lắp biển quảng cáo.
Theo Báo Đồng Nai